VN

Cúm A 'hành' đáng sợ hơn Covid-19: Sốt cao không hạ, đau buốt khắp người, nhập viện chớp nhoáng

Wednesday, 27/07/2022, 10:05 GMT+7

Gần đây, tại Hà Nội xuất hiện nhiều người dân bị mắc cúm A với tình trạng nặng, có tổn thương phổi, phải nhập viện điều trị.

Bên cạnh COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng thì số bệnh nhân mắc cúm A phải nhập viện tại Hà Nội trong thời gian gần đây cũng tăng đột biến, đa số các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng khá nặng.

Mới vào viện được 2 hôm, tuy đã cắt sốt nhưng vẫn mệt mỏi và thở dốc, báo Tin Tức dẫn lời chị Nguyễn Bích Hồng (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết:

“Tôi khởi phát sốt rất cao tới gần 40 độ C, người mệt lử, uống thuốc hạ sốt nhưng không cắt sốt được. Lúc đó tôi nghĩ có thể bị tái nhiễm COVID-19 nên test thử thì không phải. Thấy tình trạng tôi quá mệt, đau buốt khắp người, nhức xương, quá đau đầu nên người nhà nhanh chóng đưa tôi vào bệnh viện. Khi các bác sĩ làm xét nghiệm thì phát hiện tôi mắc cúm A, tôi không biết cúm A lại diễn biến nặng như thế, nặng hơn khi tôi mắc COVID-19 rất nhiều”.

Theo bệnh nhân Nguyễn Bích Hồng, trước đó ít ngày bệnh nhân có đi chơi cùng với gia đình người bạn, sau đó trong đoàn có 4 người trong đoàn bị sốt, đi viện khám và đều bị cúm A; bệnh dễ lây lan và phát bệnh khá nhanh.

Sau 5 ngày chăm con 2 tuổi mắc cúm A, chị Hồng Mai, 28 tuổi, chủ một cửa hàng nhạc cụ tại Khâm Thiên, Hà Nội bất ngờ có dấu hiệu đau mũi. Chưa kịp đi khám hay uống thuốc, đến cuối ngày chị Mai đã sốt cao 39 độ phải nằm li bì trên giường.

"Bệnh diễn biến quá nhanh khiến tôi chưa kịp chuẩn bị gì. Đến tối phải nhờ chồng mua thuốc, C sủi và trái cây tẩm bổ. Từ triệu chứng cho đến tốc độ diễn biến bệnh đều khiến tôi tin chắc rằng mình đã mắc cúm A, vì con tôi cũng gặp tình trạng tương tự. Sáng hôm sau, tôi đến bệnh viện gần nhà thăm khám và kết quả không nằm ngoài dự đoán", chị Mai cho hay trên Dân Trí.

Không chỉ sốt, theo chị Mai thứ đáng sợ nhất của cúm A là cảm giác gai rét và đau nhức khắp toàn thân. Những triệu chứng này khiến chị gần như thức trắng đêm đầu tiên.

Sau 3 ngày liền bị cúm A "hành" mất ăn, mất ngủ chị Mai mới bắt đầu hạ sốt và hồi phục dần. Người phụ nữ này chia sẻ về trận ốm nhớ đời: "Với tôi, căn bệnh này còn nguy hiểm hơn Covid-19. Đầu tháng 6, tôi từng là F0 nhưng cũng chỉ sốt nhẹ một ngày. Còn với cúm A, đến giờ tôi vẫn sợ cảm giác nhiều đêm trằn trọc không ngủ vì toàn thân ê ẩm và cảm giác rét thấu xương".

Cũng phải vào viện cấp cứu sau cơn sốt chớp nhoáng, chị Hương (sống tại Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ về trận đau nhớ đời: "Ban đầu tôi cảm thấy bị sốt và rét, đau buốt xương và nhức người. Đinh ninh rằng mình bị tái nhiễm Covid-19 chủng mới nhưng đến khi làm test nhanh tại nhà lại cho kết quả âm tính SARS-CoV-2. Sốt 39 - 40 độ C nhưng uống thuốc hạ sốt lại không hề giảm".

Chỉ trong vòng 7 tiếng đồng hồ, chị Hương từ một người khỏe mạnh phải nhập viện cấp cứu vì sốt cao.

"Tôi thấy căn bệnh này còn nguy hiểm hơn Covid-19 vì bệnh diễn biến quá nhanh cũng như triệu chứng nặng hơn hẳn", chị Hương nói.

Trao đổi với báo Tin Tức, Ths.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, phụ trách công tác chống dịch bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Những ngày gần đây, tại Bệnh viện Thanh Nhàn có dấu hiệu gia tăng bệnh nhân mắc cúm A. Có những ngày, chúng tôi tiếp nhận khoảng hơn 10 bệnh nhân mắc cúm A vào viện; trong khi trước đó chỉ ghi nhận lác đác một vài ca”.

Theo BS. Nguyễn Thu Hường, thông thường là bệnh nhân cúm A được đưa đến viện trong tình trạng sốt rất cao, bệnh nhân mệt mỏi và có biểu hiện giống như hội chứng cúm thông thường. Lý do các bệnh nhân được đưa đến viện thường là sốt rất cao không hạ, rất mệt mỏi; nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đã ít nhiều có tổn thương phổi, có tình trạng của viêm phổi do cúm A.

Cũng có những trường hợp bệnh nhân đã diễn biến sang suy hô hấp. Tuy vậy, do được can thiệp điều trị kịp thời, các bệnh nhân đều có cải thiện tốt, hiện tại thì chưa ghi nhận các biến chứng rủi ro sau quá trình điều trị cúm A. Nếu điều trị đúng cách và cải thiện tốt, thường sau 5- 7 ngày, bệnh nhân có thể ra viện nếu như không có bội nhiễm.

Bệnh nhân điều trị cúm A tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Ảnh báo Tin Tức.

Đồng quan điểm, Dân Trí dẫn lời BS Phạm Thị Kiều Loan - Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, bệnh cúm mùa đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng như: sốt, ho, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, đau họng và chảy nước mũi.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mắc cúm đều có đầy đủ các triệu chứng của bệnh, ước tính có khoảng 75% các ca nhiễm cúm không có triệu chứng điển hình. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh thường hồi phục sau một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, với trường hợp diễn biến nặng, bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong đặc biệt ở những người có nguy cơ cao.

Theo TS Vũ Minh Điền, Phó trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người cao tuổi, người có bệnh nền như phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ gan, bệnh tim mạch… là những đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng cao khi mắc căn bệnh này.

"Những trường hợp này, hệ miễn dịch suy giảm, các cơ quan cũng yếu hơn so với người bình thường. Do đó, cơ thể sẽ phản ứng yếu hơn với các tác nhân gây bệnh", BS Điền cho hay trên Dân Trí.

TS Vũ Minh Điền cũng nhận định trong bối cảnh số ca mắc cúm tăng nhanh, người dân không nên chủ quan. Nếu có biểu hiện sốt cao, đau mỏi người, viêm long đường hô hấp trên, nghi ngờ cúm, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, xét nghiệm khẳng định, qua đó điều trị đặc hiệu.

Về việc nhiều người có triệu chứng mắc cúm A nặng hơn Covid-19, các chuyên gia cũng nhận định rằng, một trong những nguyên do là người dân đã tiêm phòng vaccine Covid-19 nhưng lại chưa được bảo vệ bởi vaccine cúm.

Nguồn: docbao.vn