Vaccine không chỉ giúp phòng bệnh thủy đậu tới 98% mà còn có khả năng ngăn ngừa nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, Zona thần kinh…
Thông tin được chia sẻ trong chương trình toạ đàm "Nguy cơ bùng phát thủy đậu mùa Tết và vaccine phòng ngừa" được phát sóng trên VnExpress hôm 21/1. Chương trình có sự tham gia của BS Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM và BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC.
BS Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng I, TP HCM (giữa) và BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC, tại buổi tọa đàm sáng 21/1. Ảnh: Thành Nguyễn
Bệnh phổ biến và nguy hiểm
Theo BS Trương Hữu Khanh, virus gây bệnh thủy đậu (Varicella Zoster) được xếp vào nhóm virus lây lan mạnh, nếu chưa tiêm ngừa và tiếp xúc với người mắc bệnh thì 90% sẽ bị nhiễm bệnh. Thủy đậu nguy hiểm ở chỗ virus có thể âm thầm lây lan từ khi người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng, trước khi sốt, mệt mỏi hay nổi các mụn nước trên da và tiếp tục lây lan cho đến khi các mụn nước này khô đi và bong tróc. Mầm bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách chạm vào vật dụng cá nhân, quần áo của người bệnh, hoặc lây truyền từ mẹ sang con trong lúc mang thai.
"Đây là căn bệnh cứ đến hẹn lại lên, tới mùa là bùng phát, kéo dài từ thế hệ này qua thế hệ khác. Dù đã có vaccine phòng ngừa nhưng độ bao phủ ở Việt Nam chưa cao khiến hằng năm vẫn có rất nhiều người mắc bệnh, không chỉ trẻ em mà cả người lớn", BS Khanh nói.
Bác sĩ Bạch Thị Chính cho hay đa số trường hợp mắc bệnh thủy đậu thường tự khỏi nhưng một số trường hợp vẫn có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết... thậm chí tử vong, nhất là ở trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai.
"Phụ nữ mang thai bị nhiễm thủy đậu ở tuần 13-20 có thể gây dị dạng thai, thai chết lưu. Đặc biệt, ở 3 tháng cuối thai kỳ, nếu mẹ nhiễm thủy đậu, trẻ sinh ra có nguy cơ tử vong cao tới 30%", BS Chính cảnh báo.
Sau khi gây thủy đậu, virus Varicella Zoster vẫn "ngủ lại" trong cơ thể, chờ khi hệ miễn dịch suy giảm sẽ tái hoạt động và gây nên biến chứng đau đớn là Zona thần kinh, hay thường gọi là bệnh "giời leo". Người bị Zona thần kinh lây truyền virus cho những người xung quanh lại dẫn tới thủy đậu, tạo thành một vòng bệnh luẩn quẩn.
BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo, dịp Tết Nguyên đán, giao thương, tiếp xúc gia tăng, cộng với thời tiết lạnh ẩm là điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch thủy đậu. Ảnh: Thành Nguyễn
"Thủy đậu thường xuất hiện từ tháng 12, tăng dần vào tháng 2 đến tháng 6 năm sau. Vào dịp Tết Nguyên đán, giao thương, tiếp xúc gia tăng, cộng với thời tiết lạnh ẩm là điều kiện thuận lợi để virus phát triển và dễ bùng phát dịch thủy đậu. Trong bối cảnh hiện nay, việc đồng mắc cả Covid-19 và thủy đậu hoàn toàn có thể xảy ra, làm gia tăng nguy cơ diễn tiến nặng, nhập viện và tử vong", BS Khanh nói thêm.
Vaccine thủy đậu phòng bệnh 98%
Theo các chuyên gia, do virus gây bệnh thủy đậu lây lan rất nhanh, cách hiệu quả nhất để phòng bệnh là tiêm vaccine. "Vaccine phòng thủy đậu có khả năng phòng bệnh tới 88-98%. Tỷ lệ khoảng 3% còn lại vẫn có thể mắc bệnh nếu hệ miễn dịch quá yếu nhưng hầu hết các trường hợp này triệu chứng rất nhẹ và nguy cơ xảy ra biến chứng cũng thấp hơn", BS Chính cho biết. Vaccine vẫn có thể phát huy hiệu quả nếu tiêm ngừa 72 giờ sau khi tiếp xúc với người bệnh.
Hiện Việt Nam có 3 loại vaccine phòng thủy đậu của Bỉ, Mỹ và Hàn Quốc, dành cho trẻ từ 9 tháng tuổi và trẻ từ 12 tháng tuổi. Đây đều là vaccine chứa virus sống giảm độc lực nên được chống chỉ định với phụ nữ mang thai.
"Người lớn trong gia đình cần chích ngừa để tránh lây lan mầm bệnh cho trẻ em dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm vaccine phòng thủy đậu. Trẻ dưới 1 tuổi rưỡi chưa tiêm vaccine có nguy cơ mắc Zona thần kinh cao gấp 5 lần", BS Chính khuyến cáo. Theo BS Chính, phụ nữ trước khi mang thai cũng cần có kế hoạch tiêm vaccine phòng thủy đậu để tránh rủi ro cho thai nhi. Kháng thể của người mẹ vừa truyền cho thai nhi trong quá trình mang thai vừa giúp bảo vệ trẻ đến ít nhất 9 tháng đầu đời.
BS Bạch Thị Chính khuyên người dân nên tiêm phòng thủy đậu trước khi mùa dịch xảy ra. Ảnh: Thành Nguyễn
Những người đã mắc thủy đậu có thể không cần tiêm vaccine. Tuy nhiên, do bệnh có nhiều triệu chứng không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác, hai chuyên gia khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng thủy đậu vẫn là biện pháp nên làm.
Theo BS Khanh, nếu không may mắc thủy đậu, người bệnh cần chú ý vệ sinh kỹ càng để tránh gây bội nhiễm ở các mụn nước, tắm rửa sạch sẽ bằng xà bông, thường xuyên rửa tay, cắt móng tay, vệ sinh chăn màn, đồ dùng để hạn chế lây lan virus. Ngoài thuốc kháng virus, tránh bôi đắp các thứ không rõ nguồn gốc lên các mụn nước gây nhiễm trùng. Tuyệt đối không "trùm kín, kiêng tắm, kiêng gió" khiến bệnh càng nặng thêm. Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi nếu mắc thủy đậu cần nhập viện ngay để theo dõi và kịp thời xử lý trong trường hợp cần thiết.
"Thủy đậu có thể tấn công bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào. Người dân nên tiêm phòng thủy đậu trước khi mùa dịch xảy ra bởi không lường trước được khi nào mình sẽ nhiễm bệnh. Đừng chờ dịch bệnh bùng phát mới tiêm phòng bởi khi đó hiệu quả không còn cao", BS Chính khuyến cáo.
Nguồn: VNEXPRESS