Trực thuộc NAVIVA GROUP:
Công ty cổ phần vắc xin và sinh phẩm NAM HƯNG VIỆT
Công ty dược phẩm TƯỜNG KHUÊ®
Công ty cổ phần WINBIO®
Công ty cổ phần đầu tư SUNMED
Lượt truy cập: 12941 Online: 1

1. Bệnh cúm và biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra

Cúm là bệnh nhiễm vi rút cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy), đặc biệt ở trẻ em.

Vi rút cúm (Influenza virus) được chia thành 3 tuýp A, B và C.

Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát.

Bệnh cúm lan truyền nhanh trên thế giới trong các mùa dịch cúm và gây nên gánh nặng về kinh tế do phí tổn phải nằm viện điều trị và chăm sóc y tế cũng như nghỉ việc do bị bệnh. (4)

ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng, thậm chí tử vong. Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. (1)

Hình ảnh: Bệnh nhân cúm mùa suy hô hấp phải thở máy đang điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt Đới, BV Bạch Mai (SKĐS)

2. Tình hình dịch cúm trên thế giới

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê, mỗi năm có khoảng một tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó 3-5 triệu ca nặng, 290.000 đến 650.000 ca tử vong.(1)

Tại Nhật Bản, theo phân tích mới nhất của Bộ Y tế về dữ liệu thu thập được từ 5.000 phòng khám cho thấy từ ngày 23 đến 29/12, đã có 317.812 người được chẩn đoán mắc bệnh cúm, cao nhất trong lịch sử theo dõi từ năm 1999 (25 năm). Từ ngày 2/9/2024 – 26/1/2025, Nhật Bản báo cáo khoảng 9,5 triệu ca cúm mùa, chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng nguy cơ cúm B bùng phát vẫn tồn tại.(2)

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) cho biết hoạt động của bệnh cúm theo mùa vẫn ở mức cao và tiếp tục gia tăng trên khắp cả nước. Phần lớn các trường hợp ở Hoa Kỳ là do cúm A, chủ yếu là các chủng H3N2 và H1N1. (2)

Tại Hoa Kỳ, hoạt động của cúm có xu hướng đạt đỉnh vào khoảng tháng 12 đến tháng 2. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết mùa cúm 2024-2025 bắt đầu muộn và vẫn chưa đạt đỉnh. (2)

Hàn Quốc cũng vừa trải qua đợt dịch cúm lớn nhất kể từ năm 2016. Số ca bệnh tăng mạnh, đặc biệt ở thanh thiếu niên. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), tỷ lệ nghi nhiễm cúm là 73,9 trên 1.000 lượt khám tại 300 phòng mạch. Con số đánh dấu mức tăng đột biến 136% so với 31,3 trên 1.000 lượt vào cuối năm ngoái. (5)

Cúm mùa cũng đang bủa vây các nước châu Âu.

Viện Y tế Công cộng Nhà nước Séc (SZU) ngày 10/2 đánh giá dịch cúm tại quốc gia Trung Âu với hơn 10 triệu dân này có thể đang ở đỉnh điểm, phổ biến nhất là cúm A và B.

Bỉ thì ghi nhận “đại dịch cúm tồi tệ nhất” kể từ thời kỳ COVID-19, khi tỷ lệ người đến khám vì các triệu chứng giống cúm đã lên tới 1.199/100.000 dân – tỷ lệ được cho là “đặc biệt cao”.

Romania đã ghi nhận số ca nhiễm trùng đường hô hấp và cúm ở mức “kỷ lục”, vượt quá 170.000 ca trên toàn quốc từ ngày 27/1 – 2/2. Các bệnh viện đang phải vật lộn với tình trạng quá tải khi tỷ lệ nhập viện do cúm là 6,6/100.000 dân. (5)

Hệ thống giám sát bệnh tật quốc gia Australia cho biết, trong tuần đầu tiên của năm 2025, nước này đã ghi nhận 1.055 ca mắc cúm. Các chuyên gia y tế Australia đã cảnh báo có khả năng sẽ xảy ra một mùa cúm nghiêm trọng trong năm 2025 tại nước này. (5)

Tiến sĩ Zara Patel – chuyên khoa tai mũi họng tại trường Y khoa Đại học Stanford (California, Mỹ) – cho rằng nhiệt độ lạnh hơn hạn chế phản ứng miễn dịch bẩm sinh của con người. (5)

Yếu tố thời tiết là một trong những nguyên nhân chính giải thích lý do mọi người dễ mắc cúm vào mùa này, đặc biệt sau khi hệ miễn dịch đã bị ảnh hưởng nặng nề sau đợt dịch COVID-19. Theo ông Takayo Shoji, Trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện nhi Shizuoka (Nhật Bản), số ca mắc cúm mùa tăng cao có thể là do trong một thời gian dài xảy ra đại dịch COVID-19, bệnh cúm mùa không phát triển mạnh, khiến cơ thể con người không sản sinh ra kháng thể chống bệnh cúm, đặc biệt là đối với trẻ em. Bên cạnh đó, khi du lịch quốc tế trở lại bình thường và các khuyến nghị đeo khẩu trang được nới lỏng, virus cúm có điều kiện thuận lợi để lây lan rộng rãi. (5)

Đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng cúm là biện pháp phổ biến nhất đang được các nước áp dụng để bảo vệ người dân. (5)

Hình ảnh: Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang khi ra ngoài để ngăn ngừa lây nhiễm cúm (Ảnh: AP)

3. Tình hình cúm tại Việt Nam

Năm 2024, theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận 289.876 ca cúm mùa, 8 ca tử vong. Số ca nhiễm giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca), nhưng số tử vong tăng 5 trường hợp. (2)

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm. Một trong số 8 bệnh nhân đang phải đặt ECMO.

Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận một số ca mắc cúm nặng. Cũng trong những tháng đầu năm 2025, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ghi nhận số ca mắc cúm mùa tăng nhanh. Trung bình mỗi tuần, phòng khám khoa Bệnh Nhiệt đới và can thiệp giảm hại của Bệnh viện này tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân mắc cúm A (được khẳng định bằng xét nghiệm) tới khám. Số lượng bệnh nhân mắc cúm trong tháng 1/2025 cao gấp 6 lần so với tháng 12/2024. (1)

Năm 2024, ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1) tại Bình Định, đây là các trường hợp có bệnh nền mãn tính nặng, không ghi nhận biến thể của virus. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc bệnh cúm cao: Thanh Hóa (46.600 trường hợp), Thái Bình (26.345), Nghệ An (17.949), Hà Tĩnh (14.073), Sơn La (10.162). (1)

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và các bệnh viện chuyên khoa nhi, nhiễm, đến thời điểm hiện tại Thành phố chưa phát hiện bất thường trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm. (3)

Hình ảnh: Điều trị cho bệnh nhân mắc cúm tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (SKĐS)

Theo các chuyên gia y tế, thời điểm hiện nay đang trong giai đoạn mùa đông xuân, là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển, dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc các bệnh như cúm mùa, sởi, sốt phát ban… (1)

Đặc biệt, số ca mắc bệnh cúm gia tại những bệnh viện lớn có khả năng liên quan tới việc di chuyển nhiều cũng như thay đổi điều kiện sinh hoạt trong giai đoạn Tết vừa qua của người dân. (1)

TS.BS Vũ Quốc Đạt, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, dịp Tết vừa rồi, mọi người từ khắp nơi trên đất nước cùng quay trở về nhà, cùng tụ họp, cùng sống trong một môi trường kín, nên có khả năng lây lan cúm giữa các thành viên trong gia đình. (1)

Sau dịp Tết, khi quay trở lại công việc, mọi người di tản tới các địa điểm khác nhau tại nhiều địa phương và dịch cúm có “cơ hội” lây truyền ở môi trường làm việc và gia tăng số ca mắc trong cộng đồng. (1)

4. Khuyến cáo chủ động phòng bệnh cúm trong tình hình hiện nay (TTXVN)

  • Bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi
  • Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch
  • Vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối
  • Giữ ấm cơ thể
  • Ăn uống đủ chất
  • Tiêm phòng vắc xin cúm mùa
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh/người nghi ngờ mắc bệnh
  • Sử dụng thuốc kháng virus (như Tamiflu) phải theo chỉ định của thầy thuốc
  • Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi… cần đến ngay cơ sở y tế

    Hình ảnh: Tiêm chủng vắc xin (TTXVN)

5. Vắc xin cúm là biện pháp phòng cúm tốt nhất, giúp giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và tử vong (WHO)

Hỏi đáp về vắc xin cúm mùa:

Tôi có cần phải tiêm vắc xin cúm mỗi năm không?

Có. Vi rút cúm liên tục thay đổi và các chủng khác nhau có thể lưu hành mỗi năm. Khả năng miễn dịch của con người đối với cúm cũng giảm dần theo thời gian.

Vắc xin cúm được cập nhật hàng năm để chống lại các chủng lưu hành phổ biến, nhằm cung cấp khả năng miễn dịch cao nhất có thể. (6)

Vắc xin cúm có an toàn không?

Có. Vắc xin cúm đã được sử dụng hơn 50 năm, tiêm cho hàng triệu người và có hồ sơ an toàn tốt. Hàng năm, các cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia kiểm tra cẩn thận từng loại vắc xin cúm trước khi cấp phép và có hệ thống theo dõi tác dụng phụ. (6)

Tôi có cần tiêm vắc xin cúm nếu tôi mới bị cúm gần đây không?

Vẫn nên tiêm vắc xin cúm nếu bạn đã bị cúm. Bạn có thể bị cúm nhiều hơn một lần trong một mùa vì có nhiều chủng cúm đang lưu hành. Điều này có nghĩa là bạn có thể không có khả năng miễn dịch với các chủng khác và có thể mắc bệnh trở lại. (6)

Tôi đang mang thai, vậy tiêm vắc xin cúm có an toàn không?

Có. Tiêm vắc xin cúm khi mang thai là an toàn. Khi mang thai, bạn có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn. Tiêm vắc xin cúm khi mang thai có thể bảo vệ bạn và cả em bé thông qua kháng thể mà bạn truyền cho bé khi cho con bú. (6)

 

Hệ thống của NAVIVA GROUP tự hào là nhà phân phối uy tín hàng đầu trong phân phối vắc xin cúm:

– Vắc xin cúm Influvac tetra – Abbott – Hà Lan: Gồm 4 chủng cúm (2 chủng cúm AH1N1, AH3N2 và 2 chủng cúm B)

– Vắc xin cúm IVACFLUS – Viện vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) – Việt Nam: Gồm 3 chủng cúm (2 chủng cúm AH1N1, AH3N2 và 1 chủng cúm B).

Thành phần kháng nguyên của các chủng vi rút cúm theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới (WHO) hàng năm cho mùa cúm.

Cả 2 loại vắc xin này đều phù hợp để đáp ứng nhu cầu tiêm phòng cúm hiện tại ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Thông tin cụ thể xin mời liên hệ:

  • Công ty cổ phần vắc xin và sinh phẩm Nam Hưng Việt:

Địa chỉ: Số 44, Đường số 12, Khu đô Thị Mới Him Lam, Phường Tân Hưng,Quận 7, TP HCM

SĐT: 028 6266 1234 (5 line)

  • Công ty cổ phần dược phẩm Tường Khuê:

Địa chỉ: Số 33 Lê Lai, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

SĐT: 0236 3538 666 (4 line)

  • Công ty cổ phần WINBIO:

Địa chỉ: K7TT1 – SH19, Khu đô thị Starlake, P. Xuân La, Quận Tây Hồ, Thủ đô Hà Nội.

SĐT: 024 3795 6789 (3 line)

NAVIVA GROUP

“Sức khỏe cộng đồng là hạnh phúc của chúng tôi”.

 

Nguồn thông tin nội dung:

(1) https://baochinhphu.vn/so-ca-mac-cum-gia-tang-chua-ghi-nhan-virus-thay-doi-ve-doc-luc-102250207104809271.htm

(2) HCDC https://hcdc.vn/tphcm-khong-hoang-mang-nhung-khong-chu-quan-voi-benh-cum-mua-vKHV9o.html

(3) Công văn số 1218/SYT-NVY ngày 07 tháng 02 năm 2025 của Sở Y tế Hồ Chí Minh về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm mùa.

(4) https://vncdc.gov.vn/benh-cum-nd14502.html

(5) https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chu-dong-vuot-qua-mua-cum 20250212095544901.htm

(6) https://www.hcdc.vn/hoi-dap-ve-vac-xin-cum-mua-z3cG2b.html

 

Biên soạn và Tổng hợp:
Bác sĩ Lê Thị Hãi Yến, Trưởng Phòng Đào Tạo & Quản Lý Chất Lượng NAVIVA GROUP


Bài viết liên quan